Mới ra trường ngành Kiến trúc – bắt đầu từ đâu?

Ra trường. Portfolio chưa trọn vẹn. Hồ sơ chưa biết gửi ai. Và mình thì… chẳng biết rõ mình muốn gì. Nếu bạn đang là sinh viên kiến trúc năm cuối, hoặc mới tốt nghiệp, có thể bạn đang ở trong trạng thái như thế này:

“Mình có nên đi làm ở một văn phòng kiến trúc nổi tiếng?”
“Hay nên làm freelance?”
“Hoặc là… đi học thêm, thi cao học, đổi ngành?”

Thật ra bạn không cô đơn. Hầu hết những người từng học kiến trúc đều từng bối rối ở giai đoạn này.

Vậy, nên bắt đầu từ đâu?

1. Bắt đầu từ chính bản thân bạn

Tự hỏi: “Mình thích điều gì nhất trong quá trình học?”

  • Nếu bạn thích dựng hình 3D, diễn họa: có thể thử làm freelance thiết kế nội thất, dựng phối cảnh.
  • Nếu bạn yêu thích chi tiết, thực thi: công ty thiết kế – thi công có thể phù hợp.
  • Nếu bạn mê làm việc với khách hàng: có thể bạn hợp với vai trò tư vấn, chăm sóc khách.

Bạn không cần chọn đúng 100% từ đầu. Nhưng hãy bắt đầu với thứ bạn thấy “ít mệt nhất” khi làm, và bạn sẽ dần thấy lối đi rõ hơn.

2. Chăm chút lại Portfolio

Portfolio không cần quá đẹp, nhưng cần thể hiện đúng con người bạn.
Một vài gợi ý để bạn bắt đầu:

  • Giới thiệu bản thân ngắn gọn.
  • 2–3 đồ án nổi bật nhất.
  • Một đoạn chia sẻ ngắn về cách bạn tiếp cận từng đồ án.

 Nếu bạn cần feedback portfolio, hãy gửi về vuong.nguyen@htp.org.vn – bọn mình sẽ hỗ trợ bạn miễn phí.

3.Học tiếp cao học – dành cho người đã biết mình thiếu gì

 Điểm cộng:
Nếu bạn đã có định hướng rõ ràng (muốn làm giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu hoặc hướng tới vị trí chuyên gia), thì học Thạc sĩ là bước đệm rất đáng giá. Bạn có thời gian đầu tư vào kiến thức, nâng cao tư duy thiết kế và có cơ hội tiếp cận các công nghệ, tư duy mới trong ngành.

Điểm trừ:
Việc học cao học ngay sau khi ra trường có thể là “con dao hai lưỡi” nếu bạn chưa thật sự biết mình cần bổ sung điều gì. Với ngành Kiến trúc, trải nghiệm thực tế tại công ty, va chạm công trình, tương tác khách hàng… là thứ cực kỳ quý giá để bạn xác định mình phù hợp với hướng chuyên sâu nào. Ngoài ra, học phí không hề rẻ nếu không có học bổng hay hỗ trợ tài chính.

 Gợi ý: Bạn có thể đi làm một thời gian rồi quay lại học sau. Một số người chọn học bán thời gian hoặc học ở nước ngoài để kết hợp vừa làm vừa học.

4. Làm việc 9-5 tại công ty kiến trúc – bệ phóng vững chắc

Điểm cộng:
Làm văn phòng (công ty thiết kế, nội thất, quy hoạch…) là cách nhanh nhất để tích lũy kinh nghiệm thực tế, học nghề từ senior, va chạm dự án và rèn kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Đây cũng là thời điểm tốt để bạn khám phá mình hợp với môi trường nào: công ty lớn, studio nhỏ hay team freelance?

Điểm trừ:
Lúc mới vào nghề, ai cũng “quay cuồng”: bản vẽ sai, deadline dí, khách khó chiều, sếp khó tính… Nhưng chính giai đoạn này sẽ giúp bạn trưởng thành nhanh nhất. Đừng nản – ai giỏi cũng từng là fresher thôi.

👉 Gợi ý: Đừng chọn công ty chỉ vì “nổi tiếng”. Hãy chọn nơi bạn được học và được làm thật.

5.Làm freelancer – tự do & thử thách

Điểm cộng:
Freelance giúp bạn làm chủ thời gian, không gian và phong cách thiết kế. Bạn có thể nhận vẽ phối cảnh, thiết kế nội thất, concept 3D… từ sớm nếu có kỹ năng tốt và biết quảng bá bản thân. Đây cũng là cách hay để làm dự án thật khi chưa vào công ty.

Điểm trừ:
Freelance yêu cầu bạn phải có thương hiệu cá nhân – điều mà sinh viên mới ra trường thường chưa xây dựng được. Khó tìm khách, dễ bị trả giá rẻ, khó phát triển nếu không có chiến lược lâu dài.

Gợi ý: Hãy bắt đầu bằng freelance “cộng tác viên” hoặc làm thêm các job nhỏ song song với công việc chính để tích lũy portfolio. Khi đủ mạnh, bạn sẽ có nền tảng để trở thành freelancer full-time.

6. Dành thời gian trải nghiệm – đầu tư cho bản thân trước khi đi đường dài

Điểm cộng:
Không phải ai cũng sẵn sàng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Có người chọn đi du lịch, học thêm ngoại ngữ, tham gia workshop, tình nguyện, hoặc làm các dự án cộng đồng để tìm hiểu thêm về bản thân. Với dân Kiến trúc, trải nghiệm đời sống – văn hóa – không gian – con người là nguồn cảm hứng sáng tạo quý giá.

Điểm trừ:
Tất nhiên, bạn sẽ cần có tài chính ổn định để duy trì thời gian “gap”. Và bạn cũng phải đối mặt với sự so sánh, thắc mắc từ người thân, bạn bè. Điều quan trọng là bạn có kế hoạch rõ ràng và biết mình đang học được gì từ quãng nghỉ đó.

Gợi ý: Đừng “đi cho vui” – hãy dùng khoảng thời gian này để làm giàu portfolio, mở rộng network, học hỏi và tìm ra hướng đi bạn thực sự muốn theo đuổi.

Kết lại:

Bạn không cần vội có câu trả lời cho tất cả mọi thứ.
Hãy cứ bắt đầu. Làm thử. Thử sai. Sửa lại.
Đó chính là cách những kiến trúc sư giỏi nhất đã đi qua con đường này.