Khi nhắc đến ngày 30/4/1975 – Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người ta dễ hình dung ra những đoàn xe tiến về Sài Gòn, tiếng reo hò chiến thắng và… lá cờ nửa đỏ nửa xanh, ngôi sao vàng tung bay giữa đoàn quân giải phóng. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau lá cờ ấy là một loạt câu chuyện liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử, bất ngờ và đầy biểu tượng.

1. Lá cờ không phải của riêng miền Nam

Thoạt nhìn, nhiều người tưởng rằng lá cờ xanh đỏ này là “cờ miền Nam”, tương tự như cách người Mỹ chia Bắc – Nam thời nội chiến. Nhưng thực chất, đây là cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – một tổ chức chính trị và vũ trang do chính phủ miền Bắc hậu thuẫn, ra đời năm 1960.

Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng, máu của nhân dân; màu xanh da trời tượng trưng cho hòa bình, ước vọng của người dân miền Nam. Ngôi sao vàng chính giữa là hình ảnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Nói cách khác: lá cờ không đại diện cho một chính phủ độc lập, mà là hình ảnh truyền thông, biểu tượng của phong trào kháng chiến tại miền Nam.

2. KTS. Huỳnh Tấn Phát người vẽ nên niềm tự hào

KTS Huỳnh Tấn Phát  tác giả của lá cờ nửa đỏ nửa xanh, sinh năm 1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Những năm 1933 – 1938, ông học ngành kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sau 5 năm học nhà kiến trúc trẻ tuổi trở về Sài Gòn, làm việc trong Văn phòng KTS Chauchaon, người Pháp. Năm 1940, ông mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Các công trình của KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1959 ở Sài Gòn đến nay là những bứt phá tài hoa từ phong cách Đông Dương Sài Gòn sang kiến trúc hiện đại và kiến trúc quốc tế châu Âu thời bấy giờ. Năm 1943, sau nhiều lần trao đổi với những người cùng chí hướng, ông đóng cửa văn phòng kiến trúc, gom tiền mua lại manchette báo Thanh niên (ấn hành từ năm 1941). Số tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát đứng tên chủ nhiệm, phát hành lần đầu 7/8/1943, lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức. Báo 12 trang, ra ngày thứ bảy, tòa soạn đặt ở số 70 đường Meyer, Sài Gòn (nay là đường Võ Thị Sáu. Chủ trương của tờ Thanh Niênt rõ ràng: Đoàn kết người Việt ba miền chống lại óc địa phương tai hại, chống lại sự chia rẽ của ngoại bang, kêu gọi thanh niên chung tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, nhắc nhở những trang sử hào hùng chống ngoại xâm và khuyến khích xu hướng nghệ thuật phụng sự cộng đồng… Báo có sự cộng tác của nhóm học giả: Tô Văn Của, Huỳnh Văn Nghệ, Bằng Giang, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Nguyễn, Khuông Việt, Dương Tử Giang, Nguyễn Hải Trừng, Nghiêm Xuân Việt, Bình Nguyên Lộc và các nhà cách mạng “chuyên nghiệp” như Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch… Chính tuần báo Thanh Niên đã cho in ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ – Huỳnh Văn Tiểng. Vốn giàu lòng yêu nước, được các đồng chí xứ uỷ Nam Bộ giác ngộ, Huỳnh Tấn Phát đã trở thành một nhà cách mạng có tên tuổi của miền Nam. Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp đó tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn. Kỳ đài cao 15m tại ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi do KTS Huỳnh Tấn Phát dựng trong đêm cướp chính quyền là nơi Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu đọc Tuyên ngôn Độc lập sáng ngày 2/9/1945, vì Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hà Nội không truyền thanh được vào Sài Gòn.

Năm 1946, KTS Huỳnh Tấn Phát được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Thường vụ Quốc hội. Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông công tác bí mật ở Sài Gòn, cuối năm 1946, ông bị địch bắt, giam tại Khám Lớn Sài Gòn 2 năm. Ra tù, được tổ chức phân công phụ trách Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam. Năm 1949 – 1954, ông ra chiến khu giữ chức Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin, trực tiếp phụ trách Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn trực thuộc Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 1954, KTS Huỳnh Tấn Phát không đi tập kết, ông được Xứ uỷ và Thành uỷ Sài Gòn – Gia Định phân công ở lại miền Nam. Ông trở về Sài Gòn phụ trách công tác Trí vận, Chính vận, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, tự do, dân chủ, hoà bình thống nhất đất nước. Danh nghĩa công khai là hành nghề kiến trúc tại Văn phòng KTS Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1959, KTS Huỳnh Tấn Phát bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn, năm 1960 tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Tháng 6 năm 1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày Hiệp thương Thống nhất 1976. Cùng năm ấy, Quốc hội khóa VI cử ông làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1981, Quốc hội khóa VII cử ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, ông được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII. Tại Đại hội KTS Việt Nam lần thứ III (1983), ông được bầu làm Chủ tịch Hội KTS Việt Nam.

3. Tồn tại hơn 15 năm rồi… biến mất

Từ 1960 đến 1976, lá cờ này xuất hiện trong mọi chiến dịch truyền thông, tuyên truyền và hoạt động quân sự tại miền Nam. Nhưng sau ngày thống nhất 30/4/1975, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được hợp nhất với Chính phủ Cách mạng lâm thời và rồi… lá cờ cũng “rút lui” một cách âm thầm.

Đến quốc kỳ chính thức là lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam thống nhất, thay thế hoàn toàn cho mọi biểu tượng tạm thời trước đó.

Nhiều người sau này còn lầm tưởng rằng lá cờ xanh đỏ là của “một chính quyền riêng biệt”, nhưng không phải. Nó là một phần trong chiến lược truyền thông và tâm lý chiến đầy tinh tế của cuộc kháng chiến.

Kết

Lá cờ giải phóng miền Nam không chỉ là một mảnh vải tung bay giữa thời khói lửa. Nó là tác phẩm chính trị, là biểu tượng tâm lý, là sự kết hợp giữa khát vọng hòa bình và ngọn lửa cách mạng. Và có lẽ, trong những ngày tháng 4 như thế này, nhìn lại lá cờ ấy không chỉ để nhớ, mà còn để hiểu: mỗi biểu tượng đều chứa một câu chuyện chưa kể.

Nguồn ảnh: Sưu tầm